Độc giả Trần Đức Phú nhận xét về tác phẩm Việt Nam Danh Tác – Việc Làng
Đây thật sự là một tác phẩm rất hay. Dưới ngòi bút tài năng của Ngô Tất Tố ta như thấy rõ được đời sống xã hội của làng xã Việt Nam dưới thời kỳ cuối của phong kiến. Thật sự xúc động và cảm thương cho những số phận con người sống dưới thời kỳ này.
Độc giả Hoang Anh nhận xét về tác phẩm Việt Nam Danh Tác – Việc Làng
Tác phẩm này của Ngô Tất Tố giúp mình mở mang ra rất nhiểu điều về tục lệ, lề thói, lệ làng xưa kia ở các vùng quê nước ta. Nếu như không đọc quyển này, mình chắc sẽ không bao giờ biết “sỏ gà” là cái gì. Mà mình ấn tượng nhất là truyện hai vợ chồng đi vay nóng để làm cỗ mời làng, mời xong là cả nhà méo mặt. Đúng là cuộc sống phong kiến xưa kia thật không dễ dàng gì.
Ngô Tất Tố là một nhà văn tuyệt vời, có tài, những tác phẩm của ông như vén màn cho người đọc nhìn rõ được một quá khứ, một cuộc sống khó khăn của những người nông dân xưa kia. Bị cùm kẹp và bóc lột vì những lề thói nhưng không thể thoát ra được
Độc giả Bùi Quang Vũ nhận xét về tác phẩm Việt Nam Danh Tác – Việc Làng
Đọc xong Việc làng, tôi lại nhớ đến Mỵ của Tô Hoài: ở lâu trong cái khổ, quen rồi ! Người dân sống trong làng, trong sự tù túng, bí bách ấy rồi dần dần bị tẩy não, lấy cái danh hão làm mục đích sống, và mặc nhiên coi thế là sung sướng, là oai, dù cái giá phải trả cũng chẳng rẻ gì. Một bữa ăn làm cả năm, thậm chí mất một đời để trả.
Thế mới thấy xã hội ta còn phong kiến quá, cuộc sống của mỗi cá nhân nhạt phèo, vì thế mới đem cái danh để ra oai, vì không có gì đâu để tự hào về Chính Bản Thân?
Tôi bất giác nhớ đến dượng Tony, xã hội chưa phát triển nếu chừng nào người ta còn sống cho người khác xem và xem người khác sống.
À tôi rất cảm ơn họa sĩ Lý Thu Hà đã minh họa 4 bức tranh rất đẹp, rất dân tộc, rất mộc mạc, nhìn qua không thể ngờ là mới vẽ năm 2014.
Độc giả Đào Tân Hiếu nhận xét về tác phẩm Việt Nam Danh Tác – Việc Làng
Nếu đọc Kim Lân bạn thấy một làng quê Việt Nam đậm chất Bắc, lặng và nhuốm màu hoài cổ; nếu đọc Nam Cao bạn thấy một làng quê Việt Nam u tối và ảm đạm với những “mảnh đời”. Vậy bạn đọc Việc Làng – Ngô Tất Tố, bạn sẽ thấy một làng quê đất Bắc, với cụ Lý cụ Phó, với lệ Làng hơn phép vua, với cái sự cơ cực của hàng Đinh, với sự ganh đua hơn nhau cái tiếng, miếng cỗ. Tất cả sinh động, thật như đời, những “mảnh đời” của Làng.
Sách “Việc Làng” được Nhã Nam ấn hành nên luôn yên tâm về chất lượng, cảm giác đọc một tác phẩm hay, giấy tốt thật rất tuyệt.
Độc giả Đinh Thị Luận nhận xét về tác phẩm Việt Nam Danh Tác – Việc Làng
Mình rất hài lòng với cuốn Việt Nam danh tác được Nhã Nam ấn hành. Hài lòng về cả hình thức lẫn nội dung – một ấn phẩm có chất lượng. Giấy tốt, mực in rõ, trình bày gọn, hình bìa làm nổi bật không khí của “Việc làng”. Ngô Tất Tố viết phóng sự như có thêm chất men để hấp dẫn người đọc vậy. Những bài viết vừa phải nhưng dung nập rất nhiều cảnh đời sau luỹ tre làng với những lề thói, hủ tục nghiệt ngã. Đọc “Việc làng” mình cảm nhận được cái tàn nhẫn của lệ làng khiến mình phải rùng mình.
Độc giả đào tiến nghĩa nhận xét về tác phẩm Việt Nam Danh Tác – Việc Làng
Việc làng một một cuốn sách khá hay nói về những tục lệ xưa của làng quê việt nam. Những tục lệ thật là oái oăm mà ai cũng phải theo dù có phải bán ruộng, bán trâu bò đi làm thuê cũng phải mua cỗ hay xin và ngôi cho con.. Một cuốn sách thú vị cho chúng ta biết được cuộc sống sau lũy tre làng ngày xưa. Tuy vậy tôi thấy trong sách còn một số từ hơi khó hiểu,có thể đây là những từ được sử dụng từ thời xưa nên bây giờ ít thông dụng trong ngôn ngữ hàng ngày, cần phải thêm chú thích cho những từ này.
Độc giả Huynh Duyen nhận xét về tác phẩm Việt Nam Danh Tác – Việc Làng
Mình rất thích những tác phẩm của những tác giả nổi tiếng ngày xưa, như Nam Cao, Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Tô Hoài, Phùng Quán, … và đang trên đà đọc + sưu tầm những tác phẩm ấy. Mình mua quyển “Việc làng” này và tưởng tượng nó giống như những công việc chung trong xã hội hiện nay, là những việc mà chẳng ai thèm đụng tới chừng nào nó còn chưa ảnh hưởng đến mình, ví như một bịch rác, có thể len lén quăng ra đâu đó ngoài đường để rồi hằng ngày mình đi qua, nhìn thấy nó đó, ngửi thấy mùi hồi từ nó đó nhưng vẫn lơ đi chỗ khác như không biết gì. Nhưng ở việc làng của những thời xa xưa ấy, nó thật là kinh khủng, nó như cái tròng, cái thòng lọng thắc vào cổ những người nông dân hèn mọn, suốt đời chỉ biết cúi đầu cung phụng cho những người gọi là chức sắc của làng. Có người vì đeo cái thòng lọng đấy mà đến chết, có người thì thành như cái tù chung thân, có gia đình rơi vào cảnh “không giống ai – chưa thấy bao giờ” vì cái lệ làng ấy. Đọc “Việc làng” của Ngô Tất Tố mình đã được mở mang tầm mắt, biết được là làng quê ngày xưa sao mà người ta nghĩ ra được nhiều thủ tục, phép tắc đến thế và khi khép lại còn vương một chút buồn, chút thương cho những số phận sống trong thời ấy.
Độc giả Nguyễn Thị Thục Quyên nhận xét về tác phẩm Việt Nam Danh Tác – Việc Làng
Tôi biết tới thiên phóng sự này qua trích đoạn “Nghệ thuật băm thịt gà” trong sách giáo khoa Ngữ văn. Nhắc tới Ngô Tất Tố, người ta thường nói về Tắt đèn, về chị Dậu, nhưng tôi lại thấy Việc làng cũng ấn tượng không kém. Thông qua những truyện ngắn, những bài phóng sự, tác giả đã thành công khắc họa cuộc sống bế tắc của người nông dân sau lũy tre làng. Họ phải chạy ăn từng bữa, nhưng lại phải bán vơ đợ con, vay mượn tứ bề để lo cho làng bữa cỗ. Cái bữa cỗ chẳng nhiều nhặng gì cho cam, có khi chỉ là một miếng thịt gà “mỏng như cánh bướm,” nhưng không có không xong. Ban đầu đọc chỉ thấy buồn cười cho cái lệ làng vô nghĩa, nhưng càng nghĩ lại càng thấy chua chát cho cái xã hội rặt những hủ tục đang dìm người nông dân xuống đáy bùn đen.
Độc giả Phạm Yến Ngọc nhận xét về tác phẩm Việt Nam Danh Tác – Việc Làng
Trước khi đọc toàn cuốn Việc làng, tôi mới chỉ đọc duy nhất bài “nghệ thuật băm gà” và cảm thấy thực sự ấn tượng trước cách tác giả miêu tả “cái mình con gà đã băm được 92 miếng”. Đến khi cầm cuốn sách trên tay, đọc qua một lượt những bài viết trong đó, tôi mới thấm được, cái lệ làng ngày xưa đáng sợ biết nhường nào. Vì làng bắt vạ theo lệ mà có người thắt cổ tự tử, có người bán hết tài sản, thậm chí đi làm thuê mà vẫn còn nợ đầm đìa. Lệ làng ngày xưa, già không bỏ, nhỏ không tha, bên túm năm tụm ba cỗ bàn linh đình, bên than thân kều trời trời không thấu, kêu đất đất chẳng thưa. Nhưng mà biết làm sao được? Lệ làng đã đặt như thế cơ mà!
Độc giả Đoàn Hồng Thủy nhận xét về tác phẩm Việt Nam Danh Tác – Việc Làng
Ngô Tất Tố nổi tiếng từ lâu với tác phẩm Tắt đèn. Tôi khá là có cảm tình với tác phẩm Tắt đèn nên quyết định mua thêm Việc làng của ông. Hơn nữa nó cũng khá rẻ. Mua rồi tôi mới biết hoá ra Việc làng là các phóng sự về làng quê Việt Nam, về các phong tục cũng như hủ tục. Nếu bạn muốn hiểu biết thêm về nơi sâu luỹ tre làng thì nhất định là nên đọc cuốn này. Các phóng sự trong sách đều rất thú vị, gần gũi và đôi khi gây bất ngờ nữa. Có thể nói Ngô Tất Tố là một nhà báo xuất sắc không kém gì khi ở cương vị một nhà văn.
Độc giả Bảo Phương nhận xét về tác phẩm Việt Nam Danh Tác – Việc Làng
Ấn tượng đầu tiên của tôi về các truyện ngắn đó là các bữa tiệc. Tác giả đã phản ánh việc chủ nhà phải mở tiệc mời quan tham, xóm làm đến ăn uống hoặc để đạt được mục đích tranh giành chức vụ, quyền lợi, hoặc bị các hủ tục bắt buộc. Mỗi bữa tiệc đều sa hoa, linh đình, tốn kém biết bao trong khi đời sống người dân còn nhiều khó khăn như vậy. Các quan lớn không chăm lo giúp đỡ, lại đi ăn chực nhà dân như vậy thật đáng xấu hổ mà! Ngoài ra còn có các tục lệ khác nhau, đủ thứ chuyện để đẩy những con người bần cùng vào chiếc gông nợ nần chung thân. Chỉ với một góc nhìn nhỏ về xã hội mà đã thấy nó hỗn loạn thế nào rồi!
Bên cạnh đó, giọng văn của tác giả mộc mạc chất quê. Bìa sách lại đẹp, thu hút người đọc. Cả cách trình bày bên trong cũng đẹp mắt, không gây cảm giác đầy chữ mà có hình minh họa nữa. Tôi thấy việc tái bản lại các tác phẩm văn học này rất hữu ích.
Độc giả Pax Nhân nhận xét về tác phẩm Việt Nam Danh Tác – Việc Làng
Những câu chuyện xuyên xuốt, không phải chỉ bởi nó cùng phản ánh một vấn đề mà còn ở chổ tác giả chọn chuyện mà kể.
Lại nghĩ mà tức, sống có tiền thì không dám ăn ngon, tặn tịu rồi đưa cho chúng nó để khi chết chúng nó cúng cho. Chết còn ăn được sao? Sống không được vui mà chết cũng chẳng yên. Than ôi, cả một đời người!
Trách người, sao nỡ trách những con người mà cả đời họ sống bị trói buộc bởi hàng loạt thứ lệ rồi.
Nếu nghĩ rằng làm đến ông trên sẽ thoải mái, nhẽ nhầm, đến cả ông Thượng già kia còn lắc đầu than rằng, có phải lão muốn đi ăn đâu, mà là đám nhỏ ở nhà chờ đợi quà về đó chứ. Cầm lòng sao đặng với ánh mắt trông chờ của con trẻ.
Độc giả Ngọc Hoài Nguyễn nhận xét về tác phẩm Việt Nam Danh Tác – Việc Làng
Đối với cụ Ngô Tất Tố thì cái nhận xét cụ chính là hiện thân cho tiếng nói làng quê Việt Nam của của nửa đầu thế kỷ trước, thậm chí cả ngày nay cũng chẳng ngoa tí nào. Từng bài viết trào phúng mà thật đến não lòng, cười chẳng cười mà khóc chẳng khóc nổi. Nó chính là cái nỗi lòng của những cái tục cũ kĩ lạc hậu còn in sâu trong văn hóa làng xã làm những người dân khó khốn đến cùng nhưng cũng phảng phất đâu đó cái tình người với nhau, nhỏ nhưng ấm lòng. Sự trái ngược của lớp trên, lớp trung và lớp dưới. Nếu ai đã từng đọc tác phẩm bất hủ của cụ “Chị Dậu” thì đây cũng thế, những con người những số phận bị bọn nửa phong kiến nửa thực dân ức hiếp và cả cái bọn biết sống để văn vạ ăn chực.
Độc giả Quách Minh Phát nhận xét về tác phẩm Việt Nam Danh Tác – Việc Làng
Tác phẩm không chú trọng vào việc chọc cười độc giả mà chủ yếu miêu tả một cách thật đặc sắc, rõ nét để truyền tải sống động nhất hình ảnh của những tục lệ oái oăm đẩy con người ta vào con đường cùng trong thời kỳ nửa thực dân, nửa phong kiến. Tiếng cười ít khi lộ ra bên ngoài mà ẩn giấu sâu vào trong từng câu chữ. Rất thích hợp nếu bạn tìm đến tác phẩm này để cảm nhận thêm giọng văn của Ngô Tất Tố, và nó còn đem đến cho bạn bức tranh sống động nhất của nông thôn thời kỳ này.
Độc giả Phạm Thị Liên nhận xét về tác phẩm Việt Nam Danh Tác – Việc Làng
Mua và đọc cuốn sách này là một quyết định không hề uổng phí chút nào của mình. Cuốn sách miêu tả về những tập tục, lệ làng thời xưa với lối viết phóng sự nhưng vẫn đậm chất văn, giọng điệu có phần đả kích, châm biếm, mở ra cho chúng ta thấy rõ sự đáng sợ của những tục lệ cổ hủ, lạc hậu, có thể khiến người ta phải sạt nghiệp chỉ trong một đêm hoặc thậm chí là phải tìm đến cái chết. Tính thời sự của cuốn sách vẫn chưa hề giảm vì quả thực cho đến ngày nay ở nhiều nơi vẫn còn giữ nhiều cái “lệ làng” kiểu ấy khiến cho người ta phải khốn khổ, cả đời chẳng thoát khỏi cái nghèo.
Độc giả Nguyễn Thị Thu Thúy nhận xét về tác phẩm Việt Nam Danh Tác – Việc Làng
“Phép vua thua lệ làng”.
Khi đọc “việc làng” thì câu này bỗng dưng nảy ra trong đầu tôi. Cả tác phẩm là những câu chuyện được Ngô Tất Tố viết theo kiểu mình chứng kiến và kể lại. Bởi vậy, những câu chuyện trong đây khiến người đọc cảm thấy rất thực. Từ việc lễ làng, vào ngôi, nhập làng, ma chay, …..đến ăn vạ, một xâu lòng… Người nghèo càng lúc càng nghèo vì phải gánh bao nhiêu thứ tục lệ, người giàu, nếu không có quyền thì cũng chẳng được yên thân. Người tán gia bại sản vì mong có chút danh hão, người phải tự sát vì bị “phạt vạ” oan ức, đánh nhau sứt đầu mẻ trán chỉ vì một xâu lòng….
Càng đọc càng thấy may mắn, bởi vì mình sinh ra trong thời đại cách xa so với thời đại của “việc làng” này…
Độc giả Lê Minh Phương nhận xét về tác phẩm Việt Nam Danh Tác – Việc Làng
Việc làng là một tác phẩm thuộc thể loại phóng sự mang màu sắc châm biếm với giọng văn vừa giễu cợt lại vừa chua cay. Giễu cợt là vì các hủ tục của làng quê Việt Nam ở nhiều nơi đáng sợ quá: từ chuyện tang tóc, vào ngôi cho tới tính ganh tị, nhỏ nhen của dân làng. Chua cay lại là vì trong khi ăn còn không đủ, những cái “lệ làng” lại khiến con người ta lận đận khổ sở vì cái danh, cái tiếng. Những vấn nạn này tưởng rằng là cũ, song chúng vẫn còn mang tính thời sự cho đến tận hôm nay, càng khẳng định giá trị của tác phẩm. Đọc cuốn sách, ta còn thấy được hình ảnh làng quê Việt Nam thời xưa một cách chân thực và trần trụi nhất, khiến người đọc phải suy ngẫm và có cái nhìn sâu sắc hơn.
Độc giả Nguyễn Phương nhận xét về tác phẩm Việt Nam Danh Tác – Việc Làng
Làng là nét văn hóa đặc sắc của đời sống xã hội Việt Nam. Trải qua nghìn năm Bắc thuộc nhân dân ta vẫn giữ vững được nét truyền thống này. Xuyên suốt tập truyện của Ngô Tất Tố ta dường như không thấy cái đói, cái khổ hiện hữu mà chỉ toàn thấy ăn cỗ. Ngày lễ của làng – ăn cỗ, nhập làng – ăn cỗ, vào ngôi – ăn cỗ, nhà có tang – ăn cỗ, bị làng bắt tội – ăn cỗ. Nhưng mà ngờ đâu chính những tục lệ này lại là hủ tục tạo ra sự đói khổ ẩn dật sau đó. Người xưa vẫn có câu “phép vua thua lệ làng”, chính vì thế mà lệ làng đã đặt, ai dám trái. Dù nhà có khó khăn đến đâu cũng phải đi vay mượn để lo cho đủ theo lệ làng. Để rồi người khổ lại càng khổ hơn.
Dù chỉ là những mảnh truyện ngắn miêu tả lại sự việc xung quanh nhưng nhà văn đã giúp chúng ta có cái nhìn chân thực hơn về đời sống xã hội lúc bấy giờ, để biết quý trọng hơn những gì ta có hôm nay.
Độc giả Nguyễn Quang Huy nhận xét về tác phẩm Việt Nam Danh Tác – Việc Làng
Một tác phẩm rất hay và mang tính châm biếm của Ngô Tất Tố. Tập hợp những câu chuyện khiến ta cười không thôi về những cái lệ làng bất di bất dịch. Sau tiếng cười là suy nghĩ về số phận những người nông dân phải bắt buộc tuân theo lệ làng mà không được ý kiến nửa lời để rồi phải bán nhà, bán ruộng mà lâm vào cảnh khốn khó. Nếu yêu thích giọng văn của Ngô Tất Tố và muốn tìm hiểu về lệ làng của Việt Nam thời trước thì hãy đến với tác phẩm Việc Làng.
Độc giả Trần Kim Nhung nhận xét về tác phẩm Việt Nam Danh Tác – Việc Làng
Quyển sách này tập hợp những phóng sự của Ngô Tất Tố về những sự việc xảy ra ở nông thôn trước 1945. Gồm những câu chuyện cười ra nước mắt, những tục lệ làng quê ăn sâu vào nếp sống của người dân đúng như câu :”lệnh vua thua lệ làng”. Những phong tục có, hủ tục có và những câu chuyện bi hài xảy ra thường ngày ở quê được nhà văn phản ánh chân thật nhưng tế nhị. Và có nhiều chuyện đọc xong vẫn làm chúng ta suy nghĩ mãi. Nếu bạn đã yêu thích Ngô Tất Tố qua hai cuốn tiểu thuyết “Tắt đèn” hay “Lều chõng” thì nay hãy tiếp tục đọc thêm “Việc làng” để thấy cuốn văn phóng sự này của Ngô Tất Tố cũng đặc sắc không kém hai quyển tiểu thuyết trên.
Độc giả Phạm Hương nhận xét về tác phẩm Việt Nam Danh Tác – Việc Làng
Nhiều tác động mạnh mẽ phù hợp với nhiều người theo linh hồn việt truyền thống , không màu mè , độc đáo nhiều lạ lẫm , mang đến sự bình yên sau ngày làm việc , muốn thưởng thức hồn thơ xa xưa vẫn tồn tại đâu đó nét đời thường mà ta còn nhìn thấy rõ được , một trong số điều ta không thể không quay lại ngắm nhìn nó vẫn chưa thay đổi toàn diện với ta , người sống trên mảnh đất giàu văn hóa truyền thống , không có ai lại hiểu hết vì nó khác với cách ta nhìn nhận .
Đánh giá chung về tác phẩm Việt Nam Danh Tác - Việc Làng
ĐÁNH GIÁ SÁCH
Hy vọng với đánh giá này sẽ giúp bạn đọc lựa chọn được quyển sách ưng ý nhất cho mình.
ĐẶT SÁCH TẠI TIKITẠI LAZADAVINABOOKSHOPEE
Ưu tiên đặt sách tại Tiki, rồi đến Lazada và Vinabook, A đây rồi để đảm bảo có sách và giá tốt nhất
Reply